22/2/16

Bí quyết giúp trẻ từ 6 tháng tuổi không biếng ăn

Trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi có vị giác chưa phát triển, trẻ nhỏ sẽ tiếp nhận các loại thức ăn và mùi vị khác nhau một cách đơn giản hơn, vì vậy cha mẹ cần tập cho trẻ ăn đa dạng ngay từ thời điểm này.

Thời buổi hiện nay, nhiều trẻ nhỏ sợ thức ăn nên rất biếng ăn, không chịu ăn với một số loại thức ăn nhất định. Tình trạng như vậy kéo dài sẽ làm trẻ nhỏ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng. Điều tri chứng biếng ăn ở trẻ nhỏ lại rất tốn kém và mất nhiều thời gian.

Chính vì vậy, hãy tập luyện cho trẻ nhỏ thói quen ăn uống tốt và phòng ngừa biếng ăn cho trẻ từ sớm nhất có thể.


Một số lưu ý sau đây sẽ giúp các bậc cha mẹ cùng gia đình chăm sóc trẻ hiệu quả để trẻ không biếng ăn trong giai đoạn này:

1. Hãy nhớ không bao giờ cho thuốc vào thức ăn như sữa, nước trái cây hoặc nhét vào quả chuối để "đánh lừa" trẻ. Làm vậy sẽ khiến bé sợ và luôn cảnh giác với thức ăn.

2. Rèn cho bé ăn đa dạng với nhiều loại thực phẩm từ giai đoạn ăn dặm (6 tháng tuổi). Lúc này vị giác của trẻ chưa phát triển, trẻ dễ dàng tiếp nhận các loại thức ăn với những mùi vị khác nhau. Giúp trẻ nhỏ khi lớn lên sẽ có thói quen ăn được nhiều loại thức ăn hơn.

3. Không nhất thiết bắt buộc trẻ tuân thủ quá chính xác từng bữa ăn, từng muỗng bột, vài chục ml sữa mà hãy đơn giản hơn. Nhiều lúc trẻ sẽ ăn ít hơn một chút rồi sau đó sẽ ăn bù, cha mẹ chỉ cần chú ý:

- Lượng thực phẩm cho trẻ trong ngày quan trọng hơn lượng thực phẩm mỗi bữa ăn.

- Nhiều lúc trẻ ăn ít hơn một chút cũng là bình thường. Trong khoa học về bữa ăn của trẻ, sự thường xuyên lặp lại quan trọng hơn là từng ngày riêng biệt.

- Quan trọng nhất là các cha mẹ phải theo dõi tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ phát triển và tăng cân đều đặn với độ tuổi chứng tỏ là bé ăn đủ. Những vấn đề khác cha mẹ không cần quá lo lắng.

4. Không quá cứng nhắc, khuôn khổ như ép trẻ phải ngồi vào bàn ăn, khăn yếm phải chỉnh tề. Hãy cho trẻ ngồi thoải mái ở những nơi ưa thích. Để trẻ tự xúc cùng mẹ dù còn vụng về, đổ tháo, dần dần bé sẽ khéo léo hơn.

5. Giúp trẻ thích thú bằng các câu chuyện hấp dẫn về thức ăn, màu sắc xanh đỏ bắt mắt của rau, củ, cà rốt. Thức ăn có mùi vị hấp dẫn và thay đổi theo bữa ăn của gia đình giúp bé thích ăn hơn.

6. Lớn hơn một chút, trẻ sẽ muốn được cha mẹ hỏi ăn gì. Như vậy những món ăn có sự tham gia của trẻ sẽ làm chúng cảm thấy ngon hơn.

7. Không sử dụng thức ăn vào các mục đích khác như trừng phạt hay khen thưởng, lâu ngày sẽ dẫn đến rối loạn hành vi ăn uống. Về sau, trẻ dễ có khuynh hướng dùng việc ăn uống để phản đối hay gây sức ép lại cha mẹ khi chúng gặp khó khăn.

8. Tuyệt đối không nên cho trẻ ăn quà vặt trong khoảng 1,5 đến 2 giờ trước bữa chính vì sẽ làm bé ngang dạ khi vào bữa.

9. Nhiều giai đoạn trẻ ăn liên tục và ưa thích một loại thực phẩm nào đó như trứng, cá, chuối hay nho trong một hoặc nhiều ngày. Hãy để các em ăn thoải mái, trẻ nhỏ sẽ ăn uống bình thường sau vài ngày hoặc vài tuần. Điều quan trọng là cha mẹ không nên quá lo lắng về sự thay đổi đó.

10. Có những thời kỳ trẻ biếng ăn theo sinh lý. Giai đoạn này thường trùng lặp với thời gian trẻ học thêm các kỹ năng mới như biết ngồi, tập đi, học nói... Các thời điểm biếng ăn sinh lý thường gặp ở trẻ từ 7-9 tháng tuổi, 2 -3 tuổi, 5-6 tuổi... Trong vài tuần, trẻ ăn ít hơn nhưng vẫn chơi vui vẻ, đó là vì bé bận lo học nên quên ăn. Cha mẹ đừng lo lắng mà ép ăn sẽ khiến bé rơi vào tình trạng biếng ăn thực sự.