8/3/16

Những điều cần biết về mọc răng ở trẻ em

Thông thường, bé bắt đầu nhú những chiếc răng đầu tiên từ 6 đến 7 tháng tuổi. Hàm răng tiếp tục được hoàn thiện cho đến khi bé vào tuổi 2-3. Đến thời điểm này, tất cả 20 chiếc “răng sữa” của bé sẽ đều xuất hiện.

Song vẫn có những trường hợp bé sinh ra đã có răng và nhiều trường hợp khác 6-7 tháng tuổi vẫn chưa có chiếc răng nào, dân gian gọi là răng mọc “chậm”.


Dấu hiệu bé mọc răng

Bé đang mọc răng thường thích cắn, gặm đồ vật, hay cáu kỉnh và thường xuyên đòi bế.

Nếu con bạn không có vẻ gì là đau ốm, song tâm trạng bé không vui, hãy kiểm tra lợi của con.

Nếu bé đang mọc răng, bạn sẽ cảm thấy một cục cứng hoặc một điểm nhọn nhô lên bề mặt lợi. Chỗ gồ lên trông có vẻ đau và sưng.

Các triệu chứng khác bao gồm:

- Má ửng hồng

- Bé đưa cả nắm đấm tay vào miệng

- Chảy dãi

- Hay cắn

- Đi tướt (do một loại enzym được phóng thích trong quá trình bé mọc răng cùng với việc bé nuốt quá nhiều nước miếng).

- Bé ngủ không ngon, hay tỉnh giữa giấc

Cần lưu ý một điều rằng, mọc răng không làm cho bé bị ốm, song các ông bố bà mẹ có xu hướng đổ mọi nguyên nhân bé ốm cho việc mọc răng. Nôn mửa, tiêu chảy hay sốt cao không có liên quan gì đến bé mọc răng cả, đó là triệu chứng của một căn bệnh nào đó và bố mẹ tốt nhất nên đưa bé đến gặp bác sĩ để tìm ra.



Các nguyên nhân khiến bé chậm mọc răng

Khoảng 6 tháng tuổi, bé sẽ mọc những chiếc răng sữa đầu tiên. Giai đoạn 2 đến 2 tuổi rưỡi, bé có thể mọc được 20 chiếc răng.

Bác sĩ có thể dựa vào số lượng răng để theo dõi sự phát triển thể chất ở bé. Số răng của bé có liên quan đến số tháng tuổi (bình thường, số răng của bé bằng số tháng tuổi trừ đi 4). Tuy nhiên, nếu bé 8-9 tháng tuổi mới mọc răng nhưng thể chất và tinh thần vẫn phát triển tốt thì không có vấn đề gì đáng lo ngại.

Cũng có trường hợp, bé 18 tháng tuổi mới mọc răng (tức là chậm hơn mức bình thường hơn 1 năm). Nguyên nhân của trường hợp này là do sinh lý.

Ngoài ra, các nguyên nhân khác trì hoãn việc mọc răng ở bé bao gồm.

Bé bị thiếu canxi

Nguồn dinh dưỡng chính của bé khoảng 6 tháng tuổi vẫn là sữa mẹ. Thông thường, bé bú mẹ hoàn toàn sẽ được cung cấp đầy đủ canxi. Trường hợp thiếu canxi dễ xảy ra với nhóm bú bình hoặc chất lượng sữa mẹ kém (nguyên nhân là do người mẹ ăn uống kiêng kem hoặc chế độ dinh dưỡng nghèo nàn).

+ Bé hấp thụ quá nhiều photpho cũng có nguy cơ thiếu canxi. Bởi vì khi ấy sự hấp thụ canxi tự nhiên trong cơ thể bé sẽ bị sụt giảm.

Bé bị còi xương

Tình trạng này có liên quan đến giảm khả năng hấp thụ vitamin D ở bé. Thức ăn và ánh nắng mặt trời là 2 nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên cho cơ thể. Trong đó, các loại thịt, cá, trứng, sữa thường dồi dào vitamin D hơn các loại rau, củ. Người mẹ cũng nên lưu ý rằng vì vitamin D là loại vitamin có khả năng tan trong dầu nên nếu chế độ ăn của bé không đủ chất béo thì vitamin D cũng khó hấp thụ.

Các triệu chứng còi xương khác ở bé như thường xuyên quấy khóc khi ngủ; bé đổ mồ hôi trộm; lồng ngực lép, thóp rộng…. Để tránh nguy cơ bé chậm mọc răng do còi xương, bạn nên lưu ý một số điểm sau.

+ Trong giai đoạn có thai và cho con bú, người mẹ nên ăn uống đa dạng và đủ chất. Tuyệt đối không nên ăn kiêng.

+ Bạn có thể bắt đầu cho bé một tháng tuổi tắm nắng. Mỗi ngày khoảng 15-20 phút trước 9h sáng. Nên duy trì hoạt động tắm nắng cho bé liên tục hàng ngày.

+ Nên chú ý cung cấp đầy đủ chất đạm và chất béo trong quá trình ăn dặm của bé. Bạn nên nêm thêm dầu ăn trong bát bột (hoặc cháo) cho bé.

Bé bị suy dinh dưỡng

Nếu trong vòng vài tháng liên tục bé không tăng cân, có khả năng bé bị suy dinh dưỡng. Thực đơn cho bé ăn dặm nên đảm bảo các yếu tố chất đường, đạm, tinh bột, chất béo.

Tuy nhiên, bạn nên chú ý đến nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của bé thay vì ép bé ăn. Có thể tăng khẩu phần ăn cho bé nhưng nên từ từ. Mỗi tuần, bạn cho bé ăn nhiều hơn một chút.

Bé 8-12 tháng tuổi có thể ăn 3 bữa cháo mỗi ngày. Bạn nên nấu kèm cháo với thịt (hoặc tôm, cua, cá, lươn), các loại rau (bồ ngót, rau dền…) để thay đổi khẩu vị cho bé. Mỗi tuần, bạn nên cho bé ăn thêm 2-3 bữa carrot hoặc bí đỏ. Nấu bữa nào, bạn nên cho bé ăn dứt điểm bữa đó; tránh hâm lại đồ ăn cho bé.

Để tránh nguy cơ bé chậm mọc răng do suy dinh dưỡng, bạn nên chú ý một số điểm sau.

+ Lượng sữa cần thiết cho bé là khoảng 500-800ml mỗi ngày. Bạn cũng có thể cho bé dùng thêm sữa chua hoặc phômai.

+ Nên cho bé ăn thêm các loại hoa quả tươi: Bạn có thể ép lấy nước cho bé uống hoặc xay cả bã và cho bé dùng.

+ Ngủ đủ giấc và khuyến khích bé vận động cũng là biện pháp kích thích bé ăn ngon miệng, tránh suy dinh dưỡng.

+ Ngoài ra, bạn cũng nên tập cho bé ăn uống theo thời gian biểu, tránh ăn vặt.

Lưu ý: Việc bổ sung vitamin D và canxi dưới dạng thuốc là cần thiết nhưng bạn phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Bạn không nên tự ý cho bé dùng vitamin vì bé có thể bị ngộ độc do uống vitamin quá liều hoặc trong thời gian dài.

Đôi điều lưu ý khi trẻ mọc răng

Mọc răng là một bước phát triển tự nhiên bình thường giống như mọc tóc vậy. Thế nhưng, nó cũng là một nguyên nhân gây lo lắng ở một số trẻ.

Những vấn đề về mọc răng

Có một số đứa trẻ sinh ra đã có răng, một số mọc chiếc răng đầu tiên (răng sữa) từ khoảng tháng thứ sáu, trong khi có những đứa không mọc chiếc nào cho tới tận lúc 1 tuổi. Khác nhau là vậy, nhưng tất cả trẻ con sẽ mọc đủ răng sữa khi chúng được 2 tuổi rưỡi và bắt đầu thay răng khi lên 6.

Các nghiên cứu đều cho thấy trẻ con thường bị sốt nhẹ khi răng nhú lên khỏi lợi. Đối với một số đứa, mọc răng làm chúng trở nên cáu kỉnh, hay thức dậy và khóc vào ban đêm, chảy nước dãi và chúng cần được quan tâm một cách nhẹ nhàng.

Mọc răng đôi lúc cũng gây ra những phiền toái cho trẻ như tính khí cáu giận, chảy nước mũi ròng ròng, hay quấy khóc và còn cả đi tướt nữa. Nếu lo lắng về những hành động của con mình, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hay các nhà tư vấn sức khoẻ, và cũng đừng quy hết những hành động khác thường đó là do mọc răng. Mọc răng không làm cho trẻ ốm.

Bạn có thể nhận biết trẻ mọc răng khi thấy lợi của bé sưng đỏ lên, một bên má đỏ hồng và bé dường như khó tính hơn. Chảy nước dãi và hay gặm thứ gì đó cũng là những biểu hiện thường thấy.

Biện pháp giúp đỡ trẻ

- Âu yếm, an ủi, vỗ về trẻ để tạo cho trẻ cảm giác yên tâm, làm bất cứ điều gì bạn thấy cần thiết để làm dịu đi cái đau của trẻ.

- Tham khảo ý kiến bác sĩ về chất gel hay bột không đường có thể bôi lên lợi của trẻ. Nhưng nên nhớ không được sử dụng các chất này cho trẻ dưới 4 tháng tuổi.

- Thuốc paracetamol không đường có thể hữu ích nếu con bạn bị sốt. Hỏi ý kiến bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để chắc chắn rằng thuốc có thể dùng cho trẻ ở độ tuổi của con bạn.

- Vòng mọc răng - một vài bậc phụ huynh thường dùng những cái vòng này cho trẻ nhai. Một số khác lại để cho trẻ nhâm nhi những ngón tay đã được rửa sạch của chúng hay cho chúng gặm những mẩu bánh mì khô hoặc những miếng cà rốt gọt sạch vỏ.

Có bà mẹ than phiền: "Tôi không nghĩ là mọc răng lại làm con tôi khó chịu đến vậy, thế mà nó bị đau má và cằm vì nước dãi chảy xuống, sau đó nó bôi khắp mặt khi mút tay… Tôi đã phải dùng nhớt bôi vào để giữ cho mọi việc không trở nên tồi tệ hơn".

Đánh răng

Con bạn sẽ có khoảng 20 chiếc răng đầu tiên - 10 cái ở hàm trên và 10 cái ở dưới. Kể cả khi con bạn chỉ có 1 hay 2 chiếc răng thì chúng cũng cần được chăm sóc cẩn thận. Hãy chải răng cho con bạn ngay khi chiếc răng mọc lên, và cố gắng chải răng cho chúng ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.

Bạn nên sử dụng một loại kem đánh răng có chứa fluorua cho con mình. Kem đánh răng trẻ em có thể có mùi vị hấp dẫn nhưng đừng chọn loại có nhiều flourua. Hỏi ý kiến nha sĩ nếu bạn thấy nghi ngờ điều gì đó về laọi kem bạn đã chọn.

Hãy là một tấm gương tốt cho con bạn noi theo vì chúng sẽ học tập thói quen vệ sinh răng miệng của bạn.

Đường và gia vị

Khẩu phần ăn của trẻ cũng rất quan trọng đối với việc hình thành và phát triển những chiếc răng khoẻ mạnh. Khi cho chúng ăn hay uống hãy tránh những thứ quá ngọt vì đường làm cho răng bị sâu.
Nên cung cấp lượng đường cho chúng bằng những thứ thay thế hợp lý như hoa quả tươi, rau xanh và nước. Tránh cho chúng ăn uống các loại nước có ga, xiro và kẹo.

- Tạo cho chúng thói quen ăn uống ngon miệng mà không có nhiều đường.

- Hạn chế đồ ăn và đồ uống chứa nhiều đường trong bữa ăn.
- Tránh các thức uống ngọt trước khi đi ngủ.

Nói với bạn bè và người thân không cho trẻ ăn bánh quy ngọt và snack nhiều đường mà thay vào đó là nho khô hay bánh quy nhạt chẳng hạn.